(Cafe Net - Tintuconline) Thời còn nhỏ, tôi thường mơ đi mơ lại một giấc mơ đẹp: Bắt được trai ngọc. Dầm mình trong nước đến ngực, hai chân mò mẫm khua khoắng cát, bùn nhão và đám rong dưới đáy sông, lật tìm dưới từng viên đá sỏi, để rồi cảm nhận mặt vỏ trơn nhẫy vồng lên thành một quầng xám thẫm…
Ngụp xuống, móc lên con trai béo mầm, nặng cả vốc tay. Cũng được vài nồi canh trai, cháo trai tung tóe hành thìa là tía tô thơm lựng. Nhưng mò hoài mà giấc mơ trai ngọc vẫn chỉ lấp lánh ở tận đâu đó phía xa xôi.
Tôi cũng biết rằng ngâm nước sông đến ngực chả nhằm nhò gì, những thợ lặn mò trai ngọc phải đeo bình khí và ngụp xuống tận đáy biển sâu hàng mấy chục thước. Tôi cũng biết nhiều thợ lặn ộc máu tươi đầy miệng đầy mũi và chết rất thảm. Còn nếu tìm thấy ngọc, lợi nhuận không thuộc về họ mà chỉ nặng vào túi các chủ thuê.
Sau này, tôi cũng biết thêm là nuôi trai lấy ngọc ở các vùng biển không khó, người ta có thể cấy nhân xà cừ vào (cơ quan sinh dục) loài nhuyễn thể này, bắt nó chịu đau và sản sinh cơ chế chữa lành bằng cách tích tụ kết tinh cacbonat canxi, dính với nhau bởi một chất sừng, trở thành hạt xà cừ lóng lánh, sau mấy tháng thì được khai thác, phân loại, xâu chuỗi, bán đầy rẫy trên thị trường. Nhưng ngọc trai dù trở thành hàng hóa phổ thông thì ngọc tự nhiên vẫn là thứ quý giá. Tôi (và bao người) vẫn mơ có ngày được sở hữu một viên ngọc trai tự nhiên. Vì nó quý, đương nhiên.
Tuy thế, chưa bao giờ tôi suy nghĩ về giá trị (tiền bạc) của ngọc trai. Liệu tôi sẽ sung sướng hơn khi được sở hữu viên ngọc trai (tự nhiên) chứ không phải chiếc nhẫn vàng to bự hoặc một “con xe” Lexus bóng loáng (khoảng 850.000 USD)? Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng…
Đã gọi là giấc mơ thì mơ kiểu gì cũng khó thành hiện thực (dù là ngọc trai, nhẫn vàng hay Lexus). Cho nên đa số chúng ta đành phải tạm bằng lòng hạ cấp tinh thần xuống một chút để chấp nhận những viên ngọc trai nuôi cấy gọt giũa tinh vi cũng là một thứ giá trị, dù nhiều hay ít, bởi vì, đó vẫn là chất xà cừ lấp lánh bắt sáng các chiều dùng làm trang sức; và bởi vì nó vẫn được tạo bởi nỗi đau của da thịt những con trai.
Nhưng, cái gì cũng có giới hạn của nó. Tôi (và mọi người) hẳn sẽ dừng việc luận bàn về ngọc trai, mà không thể chấp nhận thêm một thứ ngọc giả được làm bằng những hạt nhựa công nghiệp, cũng lấp lánh và bắt sáng các chiều, cũng được dùng làm đồ trang sức, nếu người sản xuất cố tình gọi đó là “ngọc”, hoặc “ngọc trai”, thậm chí chỉ là “hạt trai”. Bởi chuyện này đã không còn là yếu tố “tự nhiên” hay “nhân tạo” nữa mà phạm vào biên giới của “thật” - “giả”, đánh động tới lương tâm của những người không muốn dung túng cho việc tạo ra và nuôi lớn một đứa con (ngoài giá thú, vô thừa nhận) tên gọi là thẩm mỹ rẻ tiền, dễ dãi và giả dối.
Nếu gặp thứ ngọc giả này, đặc biệt là khi nói với trẻ con, tôi gọi chúng là hạt nhựa, như cách gọi sự vật bằng tên thực của nó.
Một trong số các giấc mơ của bé gái, thiếu nữ, hoặc các quý bà là được đội vương miện, thì bây giờ có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp. Cơ hội để sở hữu một chiếc vương miện không còn hiếm. Hay ít ra, cơ hội để tìm được một (hay nhiều) đại diện cho hình ảnh của giấc mơ của mình trong số những gương mặt đã đăng quang cũng có thể đếm tới con số hàng trăm (mỗi năm).
Cứ cho là hoa hậu chẳng cần phải đại diện cho ai hết, chỉ là một vẻ đẹp (cụ thể) được lựa chọn thôi. Nhưng đã là vẻ đẹp được lựa chọn, thì nó phải (tương đối) toàn bích chứ. Vẻ đẹp được lựa chọn như viên ngọc bắt sáng các chiều, hàng tỉ người trên đời chiêm ngưỡng và nâng niu nó; xã hội tôn vinh nó, và ngược lại, nó phải giữ gìn sự tỏa sáng của chính mình. Ngọc quý là cái mốc để tham chiếu khi người ta nhắc tới thẩm mỹ về cái đẹp.
Như trên đã nói, ngọc tự nhiên thì đắt giá hơn nhiều, nhưng xã hội vẫn trân trọng những viên ngọc nhân tạo, vì giá trị của nó vẫn là ngọc. Nếu một ngày, xã hội phát hiện ra những vết nứt, vỡ thiếu toàn bích của viên ngọc? Giá trị của nó đương nhiên sẽ kém đi. Thế còn khi người ta phát hiện ra thứ đồ lấp lánh bắt sáng kia chỉ là ngọc giả, được sản xuất tinh vi? Hậu quả sẽ thế nào?
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi vẫn muốn hỏi nếu là Hoa hậu, bạn muốn mình là ngọc trai thật hay ngọc trai nuôi? Hoặc là viên nhựa tỏa sáng lấp lánh (và tỏa hương nữa, vì công nghệ ngày nay hoàn toàn có thể cho phép làm được điều đó).
Tôi, với tư cách một bé gái thuở xưa, suốt chiều dài của sự lớn lên, đã gặp nhiều ngọc giả. Và thấy buồn, dù cuộc đời bây giờ lấp lánh hơn nhiều so với lúc bé thơ. Không lẽ, lại chỉ nhắn nhủ rằng: Hạt nhựa ơi, đừng hoài công lấp lánh làm chi. Bởi vì tôi (và chắc hẳn rất nhiều người khác) nay đã lớn.
Không gì có thể đặt lên cân cho bằng với sự cầm nắm trong tay giá trị tinh tế, hư ảo của một bí mật không đoán định trước được, hay chính là sự chạm vào kết tinh nỗi đau của một sinh vật sống, đã đi trọn kiếp đọa đời. Điều quý giá là những con trai câm lặng dưới đáy nước không những không khoe khoang, tuyên bố, mà cũng chẳng kêu ca, than thở, phiền não. Chúng tự tại ôm nỗi đau trong lòng, bình thản chữa chạy, trầm lặng bồi đắp hạt cát trở thành viên ngọc lấp lánh khiến bao sinh vật khác phải thèm muốn.
Cũng có thể mãi mãi không bao giờ người ta tìm thấy ngọc thật trong đời sống bộn bề giả dối. Dù cho tôi, và nhiều người khác, luôn luôn lang thang trên bờ của những con sông, bãi biển, hoặc ngó nghiêng, hoặc dầm mình xuống nước, hoặc lặn ngụp ngoi ngóp qua nhiều ngày, tháng, năm. Với niềm hy vọng tìm được con trai chứa ngọc.
Trừ phi có phép phù thủy che mắt thiên hạ kiểu như tung lên một tấm khăn đen là cả xã hội lốc nhốc kéo nhau quay về thời thơ bé.
Hòa Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét