Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Đúng việc - cuộc cách mạng chữa căn bệnh sai việc

Cuốn sách quan trọng của nhà giáo Giản Tư Trung - “Đúng Việc” đề cập đến những vấn đề căn cơ và nền tảng nhất của con người ở mọi thời đại, đó là: làm người (đạo nhân), làm mình (đạo sống), làm dân (đạo dân) và làm nghề (đạo nghề) bằng văn phong dí dỏm, sâu sắc và có tính hệ thống cao. Từ đó, sách đưa ra phương pháp luận để mỗi người tự thấu hiểu bản thân, tự tìm ra đường đời của mình, hình thành đạo nhân, đạo sống và đạo nghề của riêng mình.
Nhà giáo Giản Tư Trung thu hút hàng ngàn bạn trẻ trong các cuộc trò chuyện

Hay nói cách khác, “Đúng Việc” là một phương pháp luận để mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở tự tìm ra “đích đến” và “con đường” cho sự đổi thay có tính cách mạng của riêng mình.
Nhà giáo Giản Tư Trung cho rằng: “Công việc” của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm: làm người, làm dân và làm nghề. Lựa chọn “đúng việc” hay “sai việc” của mỗi người trong từng “công việc” đó sẽ làm nên cuộc đời họ. Bởi lẽ, con người thì khác với muông thú và cỏ cây; con người tự do thì khác với con người nô lệ hay con người công cụ; công dân thì khác với thần dân hay nô dân; nghệ sỹ thì khác với thợ hát; trí thức thì khác với trí nô; người thầy thì khác với thợ dạy; nhà báo thì khác với bồi bút; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; lãnh đạo thì khác với cầm quyền; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn…
Bạn trẻ bị thu hút bởi cuộc cách mạng "Đúng việc"

Bằng văn phong triết lý nhưng hóm hỉnh trong cuốn sách, và giữ nguyên cách diễn đạt này khi trao đổi trực tiếp với độc giả, nhà giáo Giản Tư Trung đã cuốn hút đông đảo bạn đọc vào câu chuyện khai minh để thực sự nhận thức về mình, về nhân sinh và thay đổi bản thân.
“Gọi tên được cuộc ‘cách mạng’ cũng quan trọng không kém việc nhận ra nó. Ở đây, ‘căn bệnh’ đích xác cho những vấn đề mà con người, gia đình, tổ chức và xã hội ngày nay đang gặp phải đã được gọi tên: Đó là bệnh “sai việc”, người người sai việc, nghề nghề sai việc. Và ‘đúng việc’ chính là giải pháp cho căn bệnh đó” - Giản Tư Trung nói.
Toàn bài đã đăng trên báo điện tử VNN:
http://m.vietnamnet.vn/…/cuoc-cach-mang-dung-viec-352464.ht…

Ngày xưa có một con bò

Dù muốn dù không thì trong mỗi người chúng ta đều đang nuôi ít nhất là 1 con bò và thậm chí là cả đàn bò. Đó là những con bò: bao biện, viện cớ, đổ lỗi, ỷ lại, mãi tự hào với quá khứ…


Nhiều khi ta nghĩ ta đã làm tốt rồi, học giỏi rồi, xinh đẹp rồi nên cứ dựa vào thành quả đó để ỷ lại, không cố gắng nữa và sa vào bẫy hài lòng với suy nghĩ rằng mình ít nhất đang có cái gì đó: Một học sinh giỏi luôn ỷ lại rằng ta giỏi rồi, không cần cố gắng nữa; một cô giáo từ năm này qua năm khác không chịu thay đổi, cập nhật giáo án của mình vì cho rằng kiến thức trong giáo án đó đã quá chuẩn; cô gái luôn tự hào hớp hồn bạn trai mình ngay từ cái nhìn đầu tiên cứ tự tin rằng mình đủ hoàn hảo để bạn trai yêu mà không bao giờ muốn tự làm mới mình, một nhân viên tự cho rằng ta làm dự án vừa rồi quá thành công và sếp đã thấy được năng lực của ta rồi, ta không cần thể hiện nữa; một nhà văn viết được 1 cuốn sách best-sellers nhưng không chịu đổi mới ngòi bút vì cho rằng ta đã viết hay rồi, cuốn sách của ta được mọi người khen ngợi đó thôi… 


Có hàng ngàn, hàng vạn loại bò đang chi phối, hạn chế sức bật của chúng ta nhưng đang được chúng ta bao bọc, bảo vệ trong lớp vỏ mang tên Chỗ Dựa. Nếu Chỗ Dựa vô hình đó mất đi, ta sẽ sụp đổ??? 
Nếu bạn vẫn muốn nuôi bò, vẫn muốn “ăn mày quá khứ” thì có lẽ cuốn sách này không dành cho bạn. Cuốn sách này chỉ dành cho những người đang nuôi bò và mong muốn được tiêu diệt con bò của chính mình. 
Hãy sống một cuộc sống Không-Có-Bò! Câu chuyện ngụ ngôn độc đáo này sẽ tạo bước đột phá, làm thay đổi cuộc sống của chúng ta!

Cuộc cách mạng một cọng rơm

Trong thời đại mà hầu như tất cả các sản phẩm từ thiên nhiên đều bị người sản xuất làm cho nhiễm độc và bán vào thị trường làm đầu độc người dùng, bạn đọc sẽ giật mình khi đọc được cuốn sách "Cuộc cách mạng một cọng rơm". 




Từ một chuyên viên trong văn phòng của một viện nghiên cứu, chàng trai tuổi đôi mươi Masanobu Fukuoka bỏ ngang xương để trở thành một nhà nông nuôi dưỡng tín điều duy nhất: làm nông theo hình thái tự nhiên.

Gấp cuốn sách này lại, chúng ta sẽ nhận ra những tri thức mà lâu nay chúng ta được trang bị không phải để sống thuận với thiên nhiên mà để chống lại thiên nhiên. Những tri thức đó khiến cho đầu óc chúng ta bị mê chấp, chúng ta không nghĩ rằng tạo hóa chỉ cho phép mỗi loài được nhận phần dành cho chúng để duy trì một sự sống cân bằng, nếu lạm dụng lập tức sẽ bị trả giá. Bệnh tật chính là lời cảnh báo đầu tiên.




Gấp cuốn sách này lại, chúng ta sẽ nhìn thấy con đường hoàn nguyên của con người. Đó là sự buông bỏ tất cả những gì chống lại thiên nhiên và trái với thiên nhiên để quay về với thiên nhiên, để con người trở lại là một thành tố của thiên nhiên.


Sự hoàn nguyên bắt đầu từ việc ăn ở. Bạn sẽ nhận ra bệnh tật là sự phản ứng của cơ thể trước sự ăn ở trái với tự nhiên của con người. Chân lý giản đơn để thoát khỏi bệnh tật là chỉ thụ hưởng những gì mà tự nhiên ban tặng. 





Sự trải nghiệm của ông Fukuoka cho bạn thấy cái để phòng ngừa bệnh tật nằm ngay trong chính thức ăn, thuốc men và thức ăn là hai mặt của một sản vật. Rau quả trồng bằng kỹ thuật canh tác hiện đại có thể ăn được nhưng không có tác dụng phòng ngừa bệnh tật, dù là rau quả “sạch”. Còn rau quả mọc tự nhiên hoặc trồng trong một môi trường tiệm cận với tự nhiên thì vừa là thức ăn vừa là những vị thuốc.

Ông Masanobu Fukuoka kêu gọi người nông dân (và không chỉ nông dân) hãy phụng sự thiên nhiên, rồi mọi việc sẽ đâu vào đó, đời sống sẽ trở lại khoan hòa và chìa khóa của hòa bình nằm gần ngay mặt đất.
Chữa lành đất đai cũng là chữa lành cho tâm hồn.